Hà Nội

Cắt giảm gánh nặng, giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng, phục hồi sản xuất

(Chinhphu.vn) - Với chủ đề “Cắt giảm gánh nặng tạo quy định tốt hơn”, hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN - OECD lần thứ 6 góp phần lan tỏa tinh thần cải cách mạnh mẽ về quy định hành chính, gỡ bỏ quy định không cần thiết, giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.

11/08/2020 14:57

 

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Việt Nam Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Chiều 11/8, Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN - OECD lần thứ 6. Hội nghị được trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và FanPage Thông tin Chính phủ.

.

Hội nghị do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì, cùng sự tham dự của ông Jeffrey Schalagenhauf, Phó Tổng tư ký OECD (tại điểm cầu Paris, Pháp); ông Gareth Ward, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam... cùng đại diện các Bộ, ngành của Việt Nam.

.

Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu “kép”

.

Với vai trò là nước chủ nhà đảm nhận Chủ tịch ASEAN năm 2020, phát biểu khai mạc hội nghị, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá cao sáng kiến của OECD và ghi nhận những nỗ lực của Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam; Ban Thư ký, Ban Chính sách quy định và các Ban chuyên môn của OECD; Cục Thực thi quy định quốc tế, Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc tổ chức hội nghị này.

.

Với chủ đề thiết thực “Cắt giảm gánh nặng tạo quy định tốt hơn”, hội nghị góp phần chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia OECD, các quốc gia ASEAN, lan tỏa tinh thần cải cách mạnh mẽ về quy định hành chính, gỡ bỏ nhiều quy định không cần thiết, giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, phục hồi sản xuất và cung ứng sản phẩm, hàng hóa. Đây cũng là nỗ lực chống dịch, thúc đẩy tăng trưởng đồng thời bảo vệ xã hội của Chính phủ Việt Nam cũng như các quốc gia.

.

Bên cạnh việc nhấn mạnh về đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế- xã hội của các quốc gia trên thế giới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP chia sẻ, đối với Việt Nam, dịch COVID-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. Sau 99 ngày kiểm soát tốt dịch bệnh không có ca nhiễm trong cộng đồng thì đến ngày 25/7/2020, Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm mới và đến nay liên tục xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố. Theo đó, đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 847 người mắc COVID-19, trong đó đã có 15 ca mắc bệnh không qua khỏi.

.

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân cả nước, Việt Nam quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phục hồi nền kinh tế. Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong số ít nước đạt được mức tăng trưởng dương và có ảnh hưởng của dịch thấp hơn các nước khác.

.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm khôi phục kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội; kiên định với mục tiêu tăng trưởng 3-4%; lạm phát dưới 4%. Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công; từ việc xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc thủ công chuyển sang xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc trên môi trường điện tử, phi giấy tờ.

 

 Toàn cảnh Hội nghị

Cùng nhau giải quyết thách thức, khắc phục sau dịch COVID-19

.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, từ đầu năm 2020 tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

.

Tới đây, Việt Nam tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp; giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

.

Đặc biệt, Cổng Dịch vụ công Quốc gia, sau 8 tháng 2 ngày đi vào hoạt động, từ 8 nhóm dịch vụ công, đến nay, đã tích hợp, gần 1.000 dịch vụ công trực tuyến với gần 56,4 triệu lượt truy cập; gần 220 nghìn tài khoản đăng ký; gần 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 260 nghìn hồ sơ trực tuyến (trung bình mỗi ngày làm việc Cổng tiếp nhận, xử lý khoảng 4 nghìn hồ sơ trực tuyến); tiếp nhận, xử lý gần 22 nghìn cuộc gọi tới Tổng đài và  hơn 7.500 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

.

Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công ước tính hơn 13 nghìn tỷ  đồng/năm, trong đó, Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp trên 6,7 nghìn tỷ đồng/năm.

.

Những kết quả nêu trên đã góp phần cải thiện đáng kể thứ bậc trong bảng xếp hạng các chỉ số của Việt Nam so với các quốc gia trên thế giới trong 5 năm qua, cụ thể là: Tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN trong bảng Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016-2020 của Ngân hàng Thế giới; tăng 10 bậc, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới; tăng 2 bậc và xếp thứ 86/193 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc…

.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh: “Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc giai đoạn 2020-2021, Việt Nam cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực để cùng nhau giải quyết những thách thức chung như là việc phối hợp khắc phục dịch bệnh COVID-19”.

.

Phiên họp lần thứ nhất của Hội nghị ASEAN - OECD GRPN lần thứ 6 với chủ đề “Cắt giảm gánh nặng để tạo quy định tốt hơn” sẽ là cơ hội để chia sẻ những quan điểm về cắt giảm gánh nặng quy định với trọng tâm đặt vào mục tiêu phát triển hướng tới một nền "quy định tốt hơn" có tâm điểm là những quy định được thiết kế tốt để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa bảo vệ xã hội.

.

Gia Huy - Hoàng Giang

Top