Hà Nội

Cần hành động, chính sách cụ thể thúc đẩy quan hệ Việt Nam - EU

(Chinhphu.vn) – Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để đẩy mạnh quan hệ Việt Nam – EU, điều cần thiết nhất là phải có hành động cụ thể, chính sách thiết thực.

16/11/2010 16:34

Ảnh: Chinhphu.vn

 Tại Hội thảo Trao đổi triển vọng quan hệ hợp tác Việt Nam – EU giai đoạn 2011 – 2020 do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 16/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với những tiềm năng to lớn, chính sách cởi mở, quan hệ Việt Nam và EU sẽ có bước phát triển sâu rộng, toàn diện trong thời gian tới. 

Liên minh Châu Âu (EU) được xác định là đối tác quan trọng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế.

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều tăng nhanh từ 1,5 tỷ USD năm 1995 lên 15,2 tỷ USD năm 2009 (tốc độ trung bình 20 – 25%/ năm). Viện trợ phát triển (ODA) của EU đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế  - xã hội và giúp Việt Nam sớm đạt được nhiều chỉ tiêu trong các mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Bộ Công Thương đánh giá, việc phát triển quan hệ với Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để EU thúc đẩy quan hệ và tăng cường vai trò ở khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, Hiệp định đối tác, hợp tác toàn diện (PCA) được ký tắt vào tháng 10 vừa qua là một bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam – EU, đưa hai bên trở thành đối tác toàn diện và quan trọng của nhau.

PCA đã tạo ra một khuôn khổ mới, dài hạn và toàn diện cho quan hệ Việt Nam – EU, phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của hai bên trong những năm tới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để đẩy mạnh quan hệ Việt Nam - EU, điều cần thiết nhất là phải có hành động cụ thể, chính sách thiết thực - Ảnh: Chinhphu.vn

Từ những thỏa thuận có tính chất “khung” có tính đến trình độ phát triển của mỗi bên trong PCA, hai bên có điều kiện thuận lợi để thiết lập những khuôn khổ hợp tác cụ thể trên nhiều lĩnh vực.

Đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, xã hội cũng thống nhất quan điểm, cần sớm xây dựng các phương án tổng thể và cụ thể phục vụ cho đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU. Đồng thời, từ các thỏa thuận đạt được trong PCA, cần xây dựng các kế hoạch, biện pháp cụ thể để thu hút hiệu quả hơn các nguồn vốn đầu tư từ EU; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, đầu tư tại thị trường EU.

Trao đổi về thời gian đàm phán để ký kết FTA, Đại sứ đại diện Phái đoàn EU tại Hà Nội Sean Doyle khẳng định, EU luôn sẵn sàng đàm phán và tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các nước thành viên ASEAN.

Riêng với Việt Nam, EU không chỉ xem Việt Nam là đối tác mà còn coi đây là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa của EU tiến vào thị trường các nước Đông Nam Á.

Bên cạnh những thuận lợi và tiềm năng to lớn, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn tồn tại trong quan hệ Việt Nam – EU.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu ra một số tồn tại trong quan hệ Việt Nam - EU, trong đó trước hết phải kể đến sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển dẫn đến các hệ thống quy định, tiêu chuẩn của EU nhiều khi vượt khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam khi vào thị trường EU. Đồng thời, các doanh nghiệp, nhà đầu tư EU cũng đặt ra những yêu cầu cao khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Nhu cầu bảo hộ nội địa của EU đặt ra một số rào cản chưa thực sự hợp lý đối với các doanh nghiệp Việt Nam (áp thuế chống bán phá giá, đưa ra một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ra khỏi danh mục các mặt hàng được hưởng Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP).

Phát biểu kết luận Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến, quan điểm mới và làm rõ tiềm năng, thế mạnh, về quan hệ Việt Nam – EU.

Bộ trưởng đánh giá cao việc các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục, đưa quan hệ Việt Nam – EU lên tầm cao mới.

Thu Cúc

Top