Hà Nội

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Hy sinh lợi ích nhỏ để đạt mục tiêu lớn

(Cổng TTĐT Chính phủ) - Trong hoàn cảnh vừa phải góp phần ổn định giá cả, nhưng phải đảm bảo tăng trưởng sản xuất, kinh doanh, khoảng 100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong số 1.720 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện nay gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, lực lượng kinh tế nòng cốt này đã nỗ lực thực hiện vai trò chủ đạo của mình nhằm đạt mục tiêu hàng đầu là kiềm chế lạm phát.

10/07/2008 13:55

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn: Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã gồng mình vượt qua khó khăn - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Tại cuộc họp báo hôm nay (10/7) do Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổ chức, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Phạm Viết Muôn cho biết, trong 6 tháng đầu năm, 7 tập đoàn, 67 tổng công ty nhà nước đạt tổng doanh thu hơn 510.000 tỷ đồng, đạt khoảng 60% kế hoạch năm, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2007 và 97% số tập đoàn, tổng công ty nhà nước kinh doanh có lãi.

Gồng mình vượt khó, góp phần bình ổn kinh tế vĩ mô

Do giá các nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là giá xăng dầu thế giới tăng cao, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước gặp nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Song, với vai trò là xương sống, trụ cột của kinh tế nhà nước, lực lượng này đã làm khá tốt vai trò nhiệm vụ bình ổn kinh tế vĩ mô, giữ vững định hướng XHCN của kinh tế nước nhà.

Dẫn chứng sinh động nhất là việc 2 Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam đã góp phần tích cực, quan trọng vào việc hạ nhiệt "cơn sốt ảo" gạo cuối tháng 4 và đầu tháng 5, qua đó ổn định tình hình xã hội.

Hay như, Tổng Công ty Hóa chất và các đơn vị thành viên vẫn duy trì giá bán phân bón ổn định, phục vụ sản xuất nông nghiệp từ tháng 3/2008 đến nay dù giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội đã thực hiện nhiều đợt giảm cước các dịch vụ viễn thông khác nhau (bình quân từ 13 - 14%). 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Dầu khí chỉ đạo nhập 60.000 tấn gas hóa lỏng để bình ổn thị trường, giảm giá bán phân đạm cho các hộ tiêu thụ trong nước từ 10 - 15%.

"Thực sự, các tập đoàn, tổng công ty, đã và đang phải gồng mình vượt qua khó khăn nhằm đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát", ông Phạm Viết Muôn nhận xét. Hiện nay, Nhà nước chỉ bù lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu. Các doanh nghiệp khác phải tự hạch toán, tự trang trải kinh phí, tự tìm cách huy động vốn kinh doanh.

Từ những kết quả đã đạt được, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang tiếp tục giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô.

Sử dụng hiệu quả vốn nhà nước

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, tính đến ngày 31/12/2007, tổng vốn huy động của 76 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 514.465 tỷ đồng, gấp 1,36 lần vốn chủ sở hữu.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà: Tỷ lệ vốn huy động trên vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty là hợp lý - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ

Ông Trần Xuân Hà đánh giá, trong điều kiện nhà nước không cấp thêm vốn điều lệ cho các tập đoàn, tổng công ty thì việc các đơn vị này huy động vốn để kinh doanh là phù hợp.

Vấn đề nổi bật mà nhiều nhà báo quan tâm là việc đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, thời gian qua, có một số tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản với số vốn là 7.370 tỷ đồng.

Xét chung, tổng vốn đầu tư vào 3 lĩnh vực trên không lớn so với vốn chủ sở hữu và tài sản của doanh nghiệp (so với vốn chủ sở hữu chiếm 2,16%, so với tài sản của doanh nghiệp chiếm 0,92%).

Ông Phạm Viết Muôn cho rằng, việc chỉ đầu tư vào 1 lĩnh vực là cứng nhắc. Nhiều tập đoàn, tổng công ty đã sử dụng lợi thế của lĩnh vực kinh doanh chính để phát triển các lĩnh vực kinh doanh hỗ trợ. Kinh doanh đa ngành phải dựa vào ưu thế, phục vụ cho lĩnh vực kinh doanh chính.

Tuy nhiên, việc đầu tư đó phải hiệu quả và vốn đầu tư chủ yếu phải dùng cho lĩnh vực kinh doanh chính.

6 tháng đầu năm 2008, cả nước đã sắp xếp lại 62 doanh nghiệp, đưa tổng số doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa tính đến nay là 3.786 doanh nghiệp.

Qua quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, đến nay cả nước còn 1.720 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được tổ chức dưới hình thức tập đoàn kinh tế (7), tổng công ty nhà nước (86) và công ty nhà nước độc lập (1099). Ngoài ra, có 4 ngân hàng thương mại nhà nước.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giữ 100% vốn điều lệ ở 524 doanh nghiệp thành viên, giữ trên 50% vốn điều lệ ở 738 doanh nghiệp thành viên và dưới 50% vốn điều lệ ở 672 doanh nghiệp đã cổ phần hóa.

Sau khi rà soát lại các dự án đầu tư, trong năm 2008, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cắt giảm, đình hoãn 609 dự án với tổng số vốn là 34.190 tỷ đồng.

Đức Tuân - Văn Hiến

Top