Hà Nội

CNTT- Phương tiện không thể thiếu để triển khai thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng

(Chinhphu.vn) - Từ nhận định có tính quy luật “những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ”, trong thông điệp năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến một nội dung rất quan trọng.

03/01/2014 10:10

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Lễ khai trương giao diện Cổng TTĐT Chính phủ ngày 10/10/2009. Ảnh: VGP

Trong đó, nói về vai trò đặc biệt của công nghệ thông tin (CNTT) và thế hệ trẻ trong việc đổi mới thể chế, Thủ tướng khẳng định: “Trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, đặc biệt là công nghệ thông tin, thế hệ trẻ nước ta được trang bị kiến thức ngày càng cao và phần lớn thường xuyên truy cập internet để giao lưu, học hỏi, khám phá và chiêm nghiệm thực tế. Thế hệ này đang và sẽ đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển cũng như vận mệnh của đất nước. Đây vừa là áp lực vừa là điều kiện thuận lợi để chúng ta tăng cường dân chủ và hoàn thiện thể chế.”

.

Đây là luận điểm rất đúng đắn, được rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn ứng dụng CNTT của chính Người đứng đầu Chính phủ trong những năm qua.

.

Dưới đây chúng tôi xin phân tích sâu hơn về luận điểm này của Thủ tướng.

.

Về thế mạnh của CNTT

.

Dưới tác động sâu rộng của Internet và toàn cầu hóa, muốn cải cách, đổi mới thể chế (Institutions) kinh tế, xã hội mà không bị xa rời thực tiễn, chính quyền cần tiếp thu, xử lý kịp thời thông tin phản hồi của người dân và xã hội theo mô hình tương tác điện tử. Với khối lượng thông tin đa dạng, khổng lồ từ các kênh truyền thông đa phương tiện chuyển tải đến trong mỗi thời điểm, đã vượt quá xa khả năng xử lý thủ công truyền thống. Như vậy, các chính quyền phải đổi mới phương thức hoạt động theo hướng xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT-e Government) mà các quốc gia trên thế giới và Việt Nam đã nhận thức được từ những năm cuối của thế kỷ trước. Bởi, với thế mạnh của  Công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) có thể hỗ trợ chính quyền:

.

Một là, chuyển tải nội dung thông tin về hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền, hệ thống văn bản pháp luật, nội dung cải cách các thể chế, chính sách, các dịch vụ công đến người dân và toàn xã hội hầu như tức thời, không phụ thuộc vào khoảng cách về không gian và độ lệch về thời gian trong phạm vi toàn cầu;

.

Hai là, với CNTT di động phát triển nhanh cùng giá thành ngày càng rẻ, việc chuyển tải thông tin về hiệu ứng, tác động của các thể chế, chính sách đối với xã hội được phản hồi tức thời theo thời gian thực từ người dân ở mọi lúc, mọi nơi đến các cơ quan chính quyền để tiếp thu, hiệu chỉnh và điều hành thực hiện.

.

Ba là, tích hợp với dung lượng hầu như vô hạn các dạng thông tin dữ liệu điện tử về tiềm năng, động thái của hệ thống kinh tế xã hội, như một dạng tài nguyên chiến lược quốc gia để chính quyền và người dân, doanh nghiệp cùng đóng góp, chia sẻ và khai thác có hiệu quả.

.

Bốn là, với tốc độ tính toán vạn năng cùng những phần mềm xử lý thông tin theo thời gian thực, việc tinh lọc, kiểm chứng sự minh bạch, đầy đủ, chính xác và kịp thời của thông tin, dữ liệu (cả phi cấu trúc và có cấu trúc) đảm bảo được tính khoa học cao, phản ánh sát thực tiễn vận động của hệ thống kinh tế-xã hội.

.

Chính phủ Việt Nam đã  có cố gắng trong ứng dụng CNTT

.

Theo kết quả đánh giá khảo sát CPĐT của Liên Hợp Quốc năm 2012, Việt Nam xếp vị  trí thứ 83 trên tổng số 190 quốc gia được thực hiện đánh giá, tăng 7 bậc so với năm 2010.

.

Trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), Việt  Nam đã tiến thêm 3 bậc để  đứng ở vị  trí thứ 4. trên tổng số 11 quốc gia trong khối  ASEAN. Tỉ lệ người dùng Internet/100 dân của Việt Nam tăng so với năm 2010 (27,56 so với 23,92); tỉ lệ thuê bao di động/100 người tăng vượt trội so với năm 2010 (175, 0 so với 80,37)…

.

Về Chỉ số Dịch vụ công trực tuyến cho thấy 100% các dịch vụ công của các cơ quan Nhà nước đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 1 (mức độ  cung cấp đầy đủ thông tin về  dịch vụ), 50% dịch vụ được cung cấp ở mức độ 2 (mức độ  cho phép tương tác cơ bản, tải mẫu biểu trực tuyến), 21% dịch vụ cung cấp ở mức độ 3 (mức độ cho phép tương tác hai chiều giữa cơ quan với người dân) và 30% ở mức độ 4 (mức độ tích hợp, kết nối liên thông giữa các cơ quan để xử lý thủ  tục) - nguồn Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông.

.

Một trong những nhân tố rất quan trọng để đạt được những thành công nêu trên, đó là  sự quan tâm và trực tiếp đi tiên phong trong sử dụng CNTT như phương tiện hỗ trợ hữu hiệu cho công việc của Người đứng đầu Chính phủ.

.

Sau khi Website, nay là Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) Chính phủ Việt Nam (www.chinhphu.vn) được chính thức khai trương trên internet ngày 10/1/2006, cùng với việc cung cấp kịp thời hàng vạn văn bản pháp luật, thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cho nhân dân dân là hàng loạt ứng dụng CNTT được Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi tiên phong khai thác.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn nút khai trương giao diện mới của Cổng TTĐT Chính phủ ngày 10/10/2009. Ảnh: VGP           

Một số dấu mốc đáng chú ý là, Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiến hành đối thoại trực tuyến với nhân dân trong nước và thế giới về 9 chủ đề quan trọng vào ngày 9/2/2007, nhờ vậy một số quyết sách đã được kịp thời ban hành ngay sau đó, tạo được sự tin tưởng của người dân trong nước và quốc tế; lập Trang tin điện tử chính thức của Thủ tướng (thutuong.chinhphu.vn) vào tháng 8/2007 cùng những hình ảnh hoạt động, phát biểu, báo cáo và bài viết quan trọng được đăng tải kịp thời để mọi người nghiên cứu, tham khảo.

.

Đặc biệt từ tháng 3/2009, dưới sự chủ trì của Thủ tướng, Chính phủ bắt đầu sử dụng thường xuyên phương thức hội nghị, giao ban trực tuyến với các ngành và 63 địa phương. Nhờ vậy đã nâng cao tính kịp thời trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và hệ thống hành chính, mặt khác tiết kiệm được nhiều tỷ đồng cho ngân sách hàng năm thay vì phải họp tập trung.

.

Ngày 10/10/2009, Thủ tướng khai trương giao diện mới của Cổng TTĐT và Báo Điện tử Chính phủ, với các phương thức truyền thông đa phương tiện, mở rộng hộp thư điện tử công vụ @chinhphu.vn… Năng lực hệ thống này đã tăng khả năng tương tác đa dạng cho các cơ quan Chính phủ và lãnh đạo hệ thống hành chính với nhân dân và xã hội.

.

Trên Cổng TTĐT đã triển khai Công báo điện tử, mở các mục lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo văn bản pháp luật, góp ý hiến kế, xây dựng cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính, hỗ trợ các Bộ trưởng đối thoại trực tuyến trả lời công dân. Lượng thông tin cung cấp đến người dân, doanh nghiệp tăng lên. Những sự kiện đó đã tạo nên “cú hích”, làm thay đổi cả về lượng và chất trong ứng dụng và phát triển CNTT của toàn hệ thống hành chính cả nước trong mấy năm gần đây.

.

Cần thêm những điều kiện đủ

.

Nhìn lại tình hình đến nay cho thấy, Chính phủ đã tận dụng và phát huy rất ấn tượng về điểm mạnh thứ nhất của ứng dụng CNTT-TT. Tuy nhiên, vẫn cần nỗ lực hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu của đất nước. Còn 3 trong 4 điểm mạnh của CNTT-TT nêu trên chưa được khai thác tốt.

.

Hạ tầng CNTT -TT của Chính phủ gồm 3 yếu tố cấu thành như “kiềng 3 chân”. Việt Nam chỉ mới triển khai 2 chân kiềng là Mạng truyền thông và Internet, các mạng máy tính LAN cùng một số ứng dụng dịch vụ công trong hệ thống hành chính được thế giới đánh giá là khá ấn tượng. Còn chân kiềng thứ 3 là hệ thống các cơ sở dữ liệu (contens) tích hợp vào Trung tâm Dữ liệu của Chính phủ chưa triển khai được. Hiện có các cơ sở dữ liệu tại các Bộ, ngành và địa phương phục vụ cho các ứng dụng  mang tính nội bộ nhưng chưa được hợp chuẩn, gây khó khăn cho công tác phối hợp liên ngành và người dân khó tiếp cận. Hơn nữa, tính minh bạch và độ tin cậy của dữ liệu còn thiếu.

.

Những phản hồi của công dân, doanh nghiệp không được tích hợp tập trung để các cơ quan hành chính nghiên cứu khai thác xử lý, mà chủ yếu thông qua các kênh báo chí điện tử và mạng xã hội, vừa bị phân tán, vừa không có điều kiện kiểm định về độ xác thực. Những người muốn phản biện những khiếm khuyết của chính sách một cách nghiêm túc không có diễn đàn chung để chuyển tải trực tiếp theo thời gian thực đến các cơ quan công quyền. Không ít người trong đội ngũ công chức, viên chức có trình độ sử dụng phương tiện CNTT không bằng đa số công dân trẻ ngoài xã hội, không đủ năng lực xử lý khối lượng thông tin phản hồi qua các kênh truyền thông đa dạng. Vì vậy, thời gian qua một số chính sách được dự thảo khi đưa ra đã không sát với tình hình thực tiễn của đất nước. Đây là một trong những nguyên nhân đã làm giảm sút niềm tin đối với chính sách Nhà nước.

.

Đáng tiếc là, một số chỉ đạo và yêu cầu của Thủ tướng về các dự án, thí dụ như Dự án Trung tâm tích hợp dữ liệu của Chính phủ (GIDC) tuy đã được khởi động từ hơn 3 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được! Một số dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia rất quan trọng như: Dân cư, đất đai, tài nguyên và môi trường, tài chính và ngân sách, lao động và đối tượng chính sách xã hội... đã được quan tâm từ đầu thập niên 2000, đến nay vẫn triển khai với tiến độ rất chậm.

.

Để khắc phục những thiếu sót, đòi hỏi: 

.

Những người đứng đầu tổ chức, cơ quan chính quyền các cấp cần phải có nhận thức cùng hành động quyết liệt như Người đứng đầu Chính phủ về những vấn đề ứng dụng CNTT cho cả hệ thống hành chính Nhà nước.

.

Cùng với cải cách thủ tục hành chính, cần nâng cao năng lực, trách nhiệm ứng dụng CNTT của đội ngũ công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước.

.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT là điều kiện cần, nhưng thêm điều kiện đủ vừa nêu, chúng ta kỳ vọng vào tính khả thi trong nhận định của thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng:

.

“Ngày nay, thế và lực của chúng ta đã mạnh hơn nhiều. Nhất định bản lĩnh đó sẽ lại tỏa sáng để Đẩy mạnh toàn diện công cuộc Đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lên tầm cao mới vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

.

TS. Nguyễn Công Hóa

(Nguyên Giám đốc Trung tâm Tin học VPCP, Phó Tổng Biên tập Cổng TTĐT Chính phủ)
Top