Hà Nội

CĐĐH của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 4 và chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

05/05/2020 19:35

I. MỘT SỐ VĂN BẢN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRONG THÁNG 4/2020

Vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh

Trong tháng 4/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Cụ thể, ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam.

Tên dịch bệnh: COVID-19 (dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra).

Thời gian xảy ra dịch: Từ ngày 23/1/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.

Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Toàn quốc.

Tại Thông báo 143/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 3/4/2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tập huấn về điều trị, sàng lọc, chuẩn bị bệnh viện dã chiến; tăng tốc việc sản xuất các trang thiết bị y tế, trong đó có máy thở bảo đảm chất lượng và giá thành phù hợp.

Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 ngày 6/4/2020 nêu rõ, dịch bệnh có thể bùng phát bất kỳ lúc nào, có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng nhân dân, đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với kết quả đạt được, phải tập trung cao độ nhằm khóa chặt nguy cơ lây bệnh xâm nhập từ bên ngoài, phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch triệt để ở trong nước, tích cực chữa trị cho người bị nhiễm, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

 

Công văn 2740/VPCP-PL ban hành ngày 6/4/2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, nhất là: các hành vi vi phạm không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch; chống đối người thi hành công vụ phòng, chống dịch; đưa tin sai không đúng sự thật, gây hoang mang dư luận, mất ổn định xã hội; tái chế khẩu trang y tế đã qua sử dụng; sản xuất hàng giả, đầu cơ găm hàng, tăng giá trái pháp luật, gian lận thương mại, gây bất ổn thị trường...; nếu có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý về hình sự.

Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do COVID-19.

Tại Thông báo số 153/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 ngày 9/4/2020, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, trước hết đến hết ngày 15/4/2020, tuyệt đối không được lơi lỏng, chủ quan.

Theo Thông báo 158/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4/2020 về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Thông báo 164/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra ngày 20 và 22/4/2020 nêu rõ: Cả nước đã chuyển sang giai đoạn mới phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn cùng với phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm người dân sẵn sàng thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt. Trong giai đoạn mới, cả nước cần vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống người dân.

Chỉ thị 19/CT-TTg ban hành ngày 24/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới nêu rõ: Được nới lỏng các biện pháp hạn chế để phục vụ phòng, chống dịch đã thực hiện phù hợp với diễn biến dịch bệnh; khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.

Ngày 24/04/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, trình tự hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 sau: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động.

Tại công văn số 3306/VPCP-KGVX ngày 25/4/2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm công khai minh bạch, kịp thời, chính xác; đề cao trách nhiệm và sẵn sàng giải trình trước Quốc hội, Chính phủ và nhân dân.

Còn tại văn bản số 3339/VPCP-V.I ban hành ngày 27/04/2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là các gói thầu mua sắm hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa, máy thở, khẩu trang y tế, hóa chất vật tư tiêu hao; nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong thông báo 170/TB-VPCP ban hành ngày 28/4/2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: Người đứng đầu các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 19/CT-TTg; các đơn vị phân công người trực; riêng hệ thống phòng, chống dịch bệnh phải hoạt động 100%, nhất là trong trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5.

Bảo đảm trật tự ATGT dịp 30/4, 1/5

Ngày 23/04/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 480/CĐ-TTg về việc phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5/2020.

Công điện nêu rõ: Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đợt nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 (từ 30/4 đến hết ngày 03/5/2020), đặc biệt là tiếp tục bảo đảm thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương có phương án vận tải phù hợp, tuân thủ quy định phòng chống dịch, bảo đảm năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ Lễ, nhất là trên các tuyến kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương và đầu mối giao thông lớn; yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông và các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông, đặc biệt là cần thường xuyên kiểm tra, ngăn ngừa lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý, chở quá số người, tăng giá vé trái quy định; tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại các đầu mối giao thông trọng điểm (cảng hàng không, nhà ga, bến xe..). Có phương án ngăn chặn, xử lý, trấn áp hiệu quả hành vi tụ tập đua xe trái phép, nhất là tại các đô thị...

Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả dông lốc, mưa đá

Từ đầu năm đến nay, dông lốc, sét, mưa đá, mưa lớn xảy ra nhiều đợt, trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, làm 8 người chết; trên 40.000 nhà và 30.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Để ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 25/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 481/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá.

Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Ngày 13/04/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị 17/CT-TTg yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các qui định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn; thúc đẩy việc áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, các mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; tăng cường quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các làng nghề thực phẩm, chợ thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm.

Thủ tướng chỉ thị xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 – 2025

Ngày 13/04/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 đồng thời tiến hành xây dựng Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 để phê duyệt, triển khai thực hiện ngay khi kế hoạch 5 năm được cấp có thẩm quyền thông qua.

Giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam

Ngày 16/04/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 442/CĐ-TTg về việc giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương xây dựng tiến độ chi tiết để thực hiện hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại (khoảng 30%), cơ bản bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công Dự án trong quý II/2020.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết về cách mạng 4.0

Ngày 17/04/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nâng cao hiệu quả và đưa công tác tuyên truyền về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đi vào chiều sâu, phù hợp với từng nhóm đối tượng, phổ biến, nhân rộng kịp thời các mô hình thí điểm, các điển hình tiên tiến. Tận dụng triệt để công nghệ số để thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo không gian thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Nghị quyết cũng đưa ra giải pháp xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu; phát triển nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chương trình hành động của Chính phủ nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài

Ngày 27/04/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Bỏ quy định cấp phép xuất khẩu khẩu trang y tế

Ngày 29/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc xuất khẩu khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị bỏ quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế theo quy định tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28/2/2020 của Chính phủ.

Điều kiện cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Ngày 03/04/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó nêu rõ điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn: Vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ Việt Nam đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

Theo Nghị định, doanh nghiệp dịch vụ phải có Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung của Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, được thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công

Ngày 06/04/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Ngày 8/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.

Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng nguy hiểm

Ngày 08/04/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2020/NĐ-CP quy định Danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa.

Nghị định quy định, phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. Thiết bị chuyên dùng của phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.

Phương tiện vận tải hàng hóa nguy hiểm phải dán biểu trưng hàng hóa nguy hiểm. Nếu trên một phương tiện có nhiều loại hàng hóa nguy hiểm khác nhau thì phương tiện phải dán đủ biểu trưng của các loại hàng hóa đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên và phía sau của phương tiện.

Quy định mới về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc

Ngày 08/04/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 43/2020/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Nghị định này quy định về thuốc tiêm và cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện sử dụng cho thi hành án tử hình, quy trình thực hiện việc tiêm thuốc; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án tử hình; điều kiện bảo đảm cho thi hành án tử hình và chế độ, chính sách đối với cán bộ tham gia thi hành án tử hình.

Quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Ngày 08/04/2020, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44/2020/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

Nghị định này quy định về nguyên tắc, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 163 Luật Thi hành án hình sự.

Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước

Ngày 09/04/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Nghị định này quy định về các hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước bao gồm: quản lý, quản trị dữ liệu số; kết nối, chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan nhà nước; cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân; quyền và trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

11 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn

Ngày 15/04/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 48/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khí tượng thuỷ văn, trong đó nêu rõ 11 loại công trình phải quan trắc khí tượng thủy văn quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật khí tượng thủy văn.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người chấp hành xong hình phạt tù ổn định cuộc sống

Ngày 17/04/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Nghị định này quy định cụ thể các biện pháp chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù; trách nhiệm của các bộ, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng.

Nghị định cũng quy định cụ thể về hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù.

Quy định quản lý viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai

Ngày 20/04/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 50/2020/NĐ-CP quy định về tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai.

Nghị định nêu rõ, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ phải công khai, minh bạch, đúng mục đích, kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Không tiếp nhận những hàng hóa không được phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật, các khoản viện trợ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến lợi ích của nhà nước và của nhân dân.

Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản viện trợ phải thực hiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết với Bên viện trợ.

Điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn

Ngày 27/04/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn. Trong đó, Nghị định quy định cụ thể về điều kiện đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn.

Cụ thể, sân gôn được xây dựng tại địa điểm đáp ứng các điều kiện sau: Phù hợp với nguyên tắc quy định và đáp ứng điều kiện về sử dụng đất theo quy định; phù hợp với định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có liên quan; đáp ứng điều kiện xây dựng công trình cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật kết nối trong và ngoài khu vực sân gôn; phù hợp với yêu cầu lập hành lang bảo vệ nguồn nước, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, tài nguyên môi trường biển, hải đảo...

Quy định giá mua điện mặt trời

Theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ban hành ngày 06/04/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại dự án hoặc một phần dự án trong giai đoạn từ 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 thì dự án hoặc một phần dự án đó được áp dụng Biểu giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới tại điểm giao nhận điện, cụ thể, 1783 đồng/kWh tương đương 7,69 UScent/kWh đối với dự án điện mặt trời nổi và 1644 đồng /kWh tương đương 7,09 UScent/kWh đối với các dự án điện mặt trời mặt đất; 1943 đồng/kWh tương đương 8,38 UScent/kWh đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Hỗ trợ 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ĐBSCL phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn

Ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  ký Quyết định 504/QĐ-TTg hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Quyết định nêu rõ: Hỗ trợ 530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 8 địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (gồm Bến Tre 70 tỷ đồng, Long An 70 tỷ đồng, Tiền Giang 70 tỷ đồng, Cà Mau 70 tỷ đồng, Kiên Giang 70 tỷ đồng, Sóc Trăng 60 tỷ đồng, Trà Vinh 60 tỷ đồng, Bạc Liêu 60 tỷ đồng) để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn như: bơm nước, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt; đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; mua thiết bị lọc, trữ nước; vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.

Thủ tướng cho phép xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ 1/5/2020

Thông báo 172/TB-VPCP ban hành ngày 29/4/2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới nêu rõ: Từ ngày 1/5/2020 cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP và thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế có sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Đường “Nhuệ”

Tại công văn 2941/VPCP-NC ngày 14/04/2020 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP), Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ những vi phạm pháp luật của Đường “Nhuệ”, tức Nguyễn Xuân Đường.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm tỉnh Thái Bình chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ hành vi phạm tội “cố ý gây thương tích” của các đối tượng. Bên cạnh đó, cần mở rộng điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hoạt động có tổ chức, mang tính chất “xã hội đen” của nhóm đối tượng này, đã được các cơ quan báo chí thông tin trong những ngày qua, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

 

II- MỘT SỐ CHÍNH SÁCH MỚI CỦA CHÍNH PHỦ CÓ HIỆU LỰC TỪ THÁNG 5/2020

Không được sử dụng phương tiện vi phạm tham gia giao thông trong thời gian được giao bảo quản

Có hiệu lực từ ngày 1/5/2020, Nghị định 31/2020/NĐ-CP ban hành ngày 5/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 3/10/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Theo đó, tổ chức, cá nhân vi phạm trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện vi phạm thì không được phép sử dụng phương tiện vi phạm đó tham gia giao thông; không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện vi phạm, nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.

Trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn hoặc khi có nguy cơ trực tiếp phát sinh tình huống mà nếu không kịp thời di chuyển, thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện sẽ gây thiệt hại đến phương tiện thì được thay đổi nơi giữ, bảo quản phương tiện nhưng ngay sau đó phải thông báo cho người có thẩm quyền tạm giữ biết.

Trong thời gian được giao giữ, bảo quản phương tiện, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm không chấp hành đúng quy định thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện xem xét, quyết định chuyển phương tiện vi phạm đó về nơi tạm giữ của cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ.

Quy định mới về xác định thị trường liên quan và thị phần

Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/05/2020, Nghị định số 35/2020/NĐ-CP ban hành ngày 24/03/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, trong đó quy định cụ thể về xác định thị trường liên quan và thị phần.

Về xác định thị trường liên quan, Nghị định quy định, thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Trong quá trình xác định thị trường liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có chuyên môn.

Phạt nặng hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước

Nghị định số 36/2020/NĐ-CP  ban hành ngày 24/03/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản có hiệu lực thi hành từ ngày 10/05/2020. Trong đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức.

Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Theo đó, phạt tiền từ 220-250 triệu đồng đối với hành vi xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước.

Điều kiện cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Có hiệu lực từ ngày 20/05/2020, Nghị định 38/2020/NĐ-CP ban hành ngày ngày 03/04/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó nêu rõ điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn: Vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ Việt Nam đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

Theo Nghị định, doanh nghiệp dịch vụ phải có Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung của Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, được thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam-Cuba

Nghị định 39/2020/NĐ-CP  ban hành ngày 03/04/2020 của Chính phủ về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Cuba giai đoạn 2020 – 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 20/05/2020.

Tối đa hóa thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí

Có hiệu lực từ ngày 22/05/2020, Nghị định 45/2020/NĐ-CP ban hành ngày 08/04/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, trong đó nêu rõ: Tối đa hóa các bước thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền.

Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước

Nghị định số 47/2020/NĐ-CP  ban hành ngày 09/04/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước có hiệu lực từ ngày 25/05/2020.

Nghị định này quy định về các hoạt động quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước bao gồm: quản lý, quản trị dữ liệu số; kết nối, chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của cơ quan nhà nước; cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân; quyền và trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước./.

Top