Hà Nội

Bổ sung kinh phí Dự án giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi

(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ đồng ý sửa đổi, bổ sung nội dung Dự án "Giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam, giai đoạn III" sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Thụy Sỹ.

26/02/2014 08:45

Ảnh minh hoạ

Cụ thể, về kinh phí Dự án, bổ sung tăng thêm 1.796.444 Euro, trong đó, vốn ODA không hoàn lại 926.642 Euro; vốn đối ứng của các địa phương tham gia là 126.612 Euro; của các hộ chăn nuôi cùng sở thích tham gia chương trình là 743.190 Euro (bằng hiện vật và nhân lực).

Địa bàn thực hiện Dự án mở rộng thêm 5 huyện: Trấn Yên, Văn Yên (tỉnh Yên Bái); Phù Yên, Yên Châu (tỉnh Sơn La) và Tân Sơn ( tỉnh Phú Thọ).

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, phối hợp với Nhà tài trợ hoàn thành các thủ tục cần thiết để điều chỉnh việc thực hiện Dự án theo đúng quy định tại Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA.

Dự án "Giảm nghèo thông qua phát triển chăn nuôi ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam" giai đoạn 3 đặt mục tiêu dài hạn là tăng thu nhập cho nông dân bằng cách tăng cường các dịch vụ chăn nuôi và mô hình phát triển chăn nuôi phù hợp, bền vững và có thể nhân rộng.

Dự án được thực hiện tại Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và 3 tỉnh Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái.

Dự án chú trọng áp dụng các kỹ năng và kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi lợn và gia cầm trong các trang trại chăn nuôi vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ chăn nuôi được củng cố thông qua hỗ trợ tăng cường năng lực cho các địa phương. Tăng thu nhập cho nông dân thông qua việc tăng cường các kỹ năng hạch toán kinh tế hộ và xây dựng liên kết thị trường.

Các kết quả cụ thể mà dự án hướng tới là tỉ lệ tái đầu tư của nông hộ phải được nâng cao, các mô hình "chứng nhận và cấp thương hiệu cho nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi qui mô nhỏ" và "khu vực chăn nuôi an toàn dịch bệnh" được các đơn vị có thẩm quyền củng cố và áp dụng. Các bài học kinh nghiệm được phổ biến tạo thành quả tác động trực tiếp tới khu vực dự án và ngoài dự án (huyện, tỉnh, quốc gia).

Hoàng Diên

Top