Hà Nội

Báo chí luôn sát cánh cùng Chính phủ

(Chinhphu.vn) - Báo chí đã luôn sát cánh cùng Chính phủ, không chỉ phản ánh hoạt động mà còn có tiếng nói để toàn xã hội đồng thuận, cùng thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dưới sự điều hành của Chính phủ.

19/06/2014 20:27

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bác Hồ đã nói báo chí cũng là vũ khí sắc bén để “phò chính, trừ tà”. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chiều 19/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi gặp gỡ các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2014), kỷ niệm 2 năm chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”.

Tới dự buổi gặp gỡ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, cùng các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các cơ quan báo chí…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gửi lời cảm ơn chân thành của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tới các cơ quan báo chí, những người làm báo đã luôn sát cánh cùng Chính phủ, không chỉ phản ánh hoạt động mà còn có tiếng nói để toàn xã hội đồng thuận, cùng thực hiện những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước dưới sự điều hành của Chính phủ, trong hoàn cảnh khó khăn cả về kinh tế-xã hội và gần đây nhất là sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đánh giá rất cao đóng góp của báo chí trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong 1 năm qua khi qua kênh báo chí - tiếng nói của nhân dân - không chỉ là khen, chê, mà còn hiến kế cho Chính phủ, góp phần hình thành chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Báo chí là tiếng nói của nhân dân, nói đúng tiếng nói của nhân dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu đã cùng nhắc lại lời nhắn nhủ của Bác Hồ, báo chí cũng là vũ khí sắc bén để “phò chính, trừ tà”.

Vì vậy, Phó Thủ tướng mong muốn báo chí sát cánh cùng Đảng, Chính phủ, nhân dân, cổ vũ nêu gương tốt trong cuộc sống hằng ngày, trong làm ăn kinh tế đến bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc.  Đồng thời, đấu tranh với tất cả những tiêu cực, từ thói quen rất nhỏ hằng ngày đến câu chuyện kinh doanh, làm ăn, quản lý Nhà nước. Trên hết, báo chí phải tôn trọng sự thật, nói đúng sự thật, hạn chế những thứ mang danh sự thật nhưng không phải là sự thật. 

Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, các cơ quan báo chí truyền thông đã đóng góp hiệu quả vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, chất liệu làm một tác phẩm báo chí cách mạng là lòng yêu Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, đem cả tâm trí để cống hiến. Phẩm chất của nhà báo cách mạng là sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách chấp nhận rủi ro, dám hy sinh vì nghĩa lớn. Những gương sáng đó xứng đáng được tôn vinh.

Các cơ quan báo chí và đội ngũ phóng viên đã luôn đồng hành, sát cánh cùng Văn phòng Chính phủ thực hiện ngày càng tốt hơn công tác truyền thông đưa mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, những sự kiện quan trọng mang tính thời sự được người dân trong nước và quốc tế quan tâm, đồng thời phản ánh xác thực, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và doanh nghiệp để Chính phủ lắng nghe, nghiên cứu, giải quyết. Trong đó sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của Việt Nam là nổi bật nhất.

Nhân dịp kỷ niệm 2 năm phát sóng (từ tháng 5/2012) với gần 100 Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho rằng đây là một chương trình truyền thông được dư luận đồng tình quan tâm, theo dõi, đã phát huy tác dụng tích cực tuyên truyền công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoạt động của các bộ, ngành; giải đáp băn khoăn, thắc mắc của nhân dân.  

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thay mặt đội ngũ những người làm báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành TƯ, địa phương đã luôn theo sát, hỗ trợ, giúp đỡ những ngoài làm báo hoàn thành nhiệm vụ của mình, để từ đó góp phần tuyên truyền thông tin, tạo sự đồng thuận đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước, hoạt động điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nhà báo chưa nêu cao trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và nghĩa vụ công dân trong quá trình tác nghiệp, làm nghề. Điều đó đòi hỏi mỗi cơ quan báo chí cũng như từng nhà báo cần phải trau dồi hơn nữa phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp để luôn giữ được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

Tại buổi gặp gỡ, một số Bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã giao lưu với các đại biểu về nội dung 2 năm thực hiện Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”.

Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh cho biết trong thời gian tới, Chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” sẽ tiếp tục được nghiên cứu, cải tiến, thậm chí tăng thời lượng để đáp ứng sự quan tâm ngày càng lớn của người dân đối với những vấn đề kinh tế, an sinh xã hội cần được các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trực tiếp giải đáp.

Kể từ số báo Thanh Niên đầu tiên (21/6/1925), đến nay cả nước có 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh và truyền hình (trong đó có 2 Đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam) với gần 200 kênh phát thanh và truyền hình đang hoạt động. Hệ thống báo mạng cũng đang phát triển rất mạnh mẽ. Đội ngũ báo chí cả nước hiện có khoảng 17.000 người làm báo chuyên nghiệp được cấp thẻ; khoảng 19.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là đội ngũ hùng hậu có vai trò rất quyết định trong việc làm phong phú đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, tạo nên sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. 

Đình Nam

Top