Hà Nội

Bài học về sự chủ động, tự lực, tự cường

(Chinhphu.vn) - Gắn bó công tác với Văn phòng Chính phủ (VPCP) trên cương vị người đứng đầu ngành công nghiệp trong một thời gian dài, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư đã chia sẻ cùng phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình công tác của mình, cũng như sự phối hợp công tác với VPCP.

05/06/2015 18:04

 

Nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư. Ảnh: Trung Hiếu

Ông Đặng Vũ Chư được Quốc hội phê chuẩn giữ  cương vị Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ năm 1990, đúng vào giai đoạn đầu của quá trình đổi mới đất nước. 5 năm sau, khi Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Năng lượng được sáp nhập thành Bộ Công nghiệp, ông tiếp tục được tín nhiệm giao giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cho tới năm 2003.

.

Ông Đặng Vũ Chư cho biết, đặc điểm của ngành công nghiệp nước nhà đầu những năm 1990 là ngành công nghiệp gia công, tư cung tự cấp. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trên cương vị Bộ trưởng ông đã tập trung chỉ đạo chuyển mạnh từ ngành công nghiệp gia công sang ngành công nghiệp sản xuất hướng ra xuất khẩu, xóa bỏ chế độ bao cấp, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kêu gọi đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế.

.

Bài học về sự chủ động, tự lực, tự cường

.

Ông Đặng Vũ Chư nhớ lại, tháng 3/1990 ông nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ. Thời điểm đó, ngành dệt may nước ta gia công cho Liên Xô (cũ) mỗi năm khoảng 6 vạn tấn bông, một nửa ta trả lại cho bạn bằng sản phẩm, còn lại là tiền công dùng để trang trải nhu cầu may mặc trong nước, kể cả cho lực lượng vũ trang. Chỉ vài tháng sau khi ông nhận nhiệm vụ, Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ thì nguồn cung cấp bông này không còn nữa. Ông nhận được điện báo từ Đại sứ quán nước ta tại Liên Xô như một tin sốc vì điều đó đồng nghĩa với việc hàng vạn công nhân ngành dệt may sẽ mất việc làm, cả ngành dệt may điêu đứng.

.

Ông Đặng Vũ Chư kể lại, từ sự việc này, ông và lãnh đạo Bộ Công nghiệp nhẹ khi đó đã vạch ra 3 hướng giải quyết. Hướng thứ nhất là xin Chính phủ cho phép dùng khoản viện trợ ODA của Chính phủ Thụy Điển hỗ trợ nhập khẩu mua được 1 vạn tấn bông. Theo một hướng khác, ông và đoàn công tác của Bộ bay sang Liên Xô để giải quyết nốt số bông còn lại trong hợp đồng, nhưng bạn chỉ giao bông dưới dạng hàng đổi hàng và chỉ lấy hàng thực phẩm trong lúc ta còn rất thiếu thốn..

.

Hướng còn lại, ông đã cho phép một số Tổng Công ty ngành dệt may trong nước mua sợi từ CHDC Đức bằng đồng rúp, khi đem về bán sợi ở trong nước có được khoản chênh lệch giữa giá mua đồng rúp và giá bán sợi. Chính nhờ nguồn tài chính này mà ngành dệt may và da giày nước ta đã đầu tư được nhiều trang thiết bị sản xuất, hiện đại hóa và phát triển được doanh nghiệp.

.

“Cả 3 hướng giải quyết khi đó đều thu được kết quả khả quan và ngành dệt may nước ta đã không phải gián đoạn sản xuất một ngày nào, công ăn việc làm của người lao động được bảo đảm, tạo tiền đề để ngành dệt may nước ta vươn lên phát triển như hiện nay”, ông Đặng Vũ Chư nhớ lại.                

.

Các ngành cơ khí chế tạo, điện lực, công nghiệp thực phẩm… giai đoạn đó cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ để vươn lên thực hiện tổng thầu (thiết kế, xây dựng, chuyển giao) được nhiều công trình lớn như thủy điện Yaly, Sơn La, Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, đường dây 500kv, nhà máy sản xuất bia tới 100 triệu lít/năm..., chế tạo ra nhiều sản phẩm công nghiệp, đóng góp quan trọng vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là bài học kinh nghiệm về sự chủ động, tư lực, tự cường để vươn lên vượt qua khó khăn, thách thức”, ông Đặng Vũ Chư chia sẻ.

.

Nhớ về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

.

Ông Đặng Vũ Chư kể rằng, trong thời gian ông giữ trọng trách Bộ trưởng đọng lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc là cuộc đối thoại trực tiếp, thẳng thắn, cởi mở giữa Thủ tướng Võ Văn Kiệt với ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore. Ông Chư nhớ mãi những nhận xét, góp ý thẳng thắn của ông Lý Quang Diệu hôm đó, đại ý rằng muốn phát triển được đất nước, phải cho người dân được thật sự dân chủ, dân chủ trong kinh tế, dân chủ trong xã hội. Ở đó, các thành phần kinh tế được tự do phát triển, bình đẳng trước pháp luật…

.

Ông Đặng Vũ Chư cho rằng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người tiên phong hành động sau những lời nhận xét, góp ý của nhà lãnh đạo Singapore. “Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những quyết định táo bạo, đúng đắn, kiên quyết đổi mới, giúp đất nước có những chuyển biến mạnh mẽ từ chế độ bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với hàng loạt các chính sách mới như xóa bỏ chế độ tem phiếu, phát triển kinh tế nhiều thành phần, cho phép người nước ngoài được đầu tư vào Việt Nam, mọi người được tự do kinh doanh trong khuôn khổ, phạm vi của pháp luật…”, ông Đặng Vũ Chư nhớ lại.

.

Luôn phối hợp công tác chặt chẽ với VPCP

.

Ông Đặng Vũ Chư cho biết, trong suốt hơn 12 năm ông làm Bộ trưởng, phụ trách ngành công nghiệp, cá nhân ông và Bộ Công nghiệp luôn có sự phối hợp công tác chặt chẽ, hiệu quả với VPCP. Theo ông, với trọng trách được giao, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các ngành phải có mối quan hệ công tác mật thiết với VPCP, với lãnh đạo VPCP, với các đồng chí phụ trách theo dõi ngành của VPCP để khi cần thiết kịp thời báo cáo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ xử lý hiệu quả nhiệm vụ, công việc của Bộ, ngành được giao.

.

“Với đặc thù của ngành công nghiệp là ngành sản xuất gắn với thị trường, tính thời cơ rất quan trọng, nếu xử lý không kịp thời, quan liêu thì sẽ rất dễ bị mất thời cơ. Do đó công việc của ngành công nghiệp càng phải gắn bó mật thiết với VPCP để nếu xảy ra vấn đề gì thì VPCP báo cáo kịp thời lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết, bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Đặng Vũ Chư khẳng định.

.

Trong những năm ông làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Bộ đã chủ trì xây dựng, phối hợp cùng VPCP và các bộ, ngành liên quan tham mưu giúp Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong ngành công nghiệp. Các Nghị định của Chính phủ về chống buôn lậu, chống hàng giả, hàng nhái, vệ sinh an toàn thực phẩm, hay như các văn bản pháp luật quy định về sản xuất sản phẩm công nghiệp trong nước… được ban hành trong giai đoạn đó đã góp phần tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, phục vụ đắc lực sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước.

.

Trung Hiếu

Top