Hà Nội

Ba điều tâm đắc của nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm

(Chinhphu.vn) – Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Khiêm nhớ lại, trong thời gian ông làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sự phối hợp với Văn phòng Chính phủ đã rất hiệu quả.

15/05/2015 15:32

Ông Cao Sỹ Kiêm. Ảnh: Trung Hiếu

.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Văn phòng Chính phủ (VPCP), nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Cao Sỹ Kiêm đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về quá trình phối hợp công tác của ngành ngân hàng với cơ quan VPCP.
.
 
Ba điều tâm đắc
.
 
Trên cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (1989 – 1997), Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm đã để lại những dấu ấn đậm nét trong xử lý, điều hành lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ, ổn định giá trị đồng tiền, đóng góp tích cực trong xây dựng, hoạch định các chính sách vĩ mô của Chính phủ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn đất nước vừa bước sang thời kỳ đổi mới .
.

Ông Cao Sỹ Kiêm nhớ lại, ông bắt tay vào nhận nhiệm vụ của người đứng đầu ngành ngân hàng trong bối cảnh đất nước đang gặp rất nhiều khó khăn, nền kinh tế bị bao vây cấm vận, hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ, tốc độ lạm phát kinh tế ở mức phi mã.

.

Ông chia sẻ, với tuổi đời khi đó còn khá trẻ, vừa mới từ địa phương lên, kinh nghiệm công tác ở Trung ương chưa có, kiến thức về kinh tế thị trường chưa có nhưng với sự ủng hộ và giúp đỡ của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương lúc đó ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

.

Trong quãng thời gian làm thành viên Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có 3 yếu tố thành công của ngành ngân hàng mà ông tâm đắc nhất, đó là: Việc nối lại quan hệ với hầu hết các định chế tài chính lớn trên thế giới, đặc biệt là nối lại quan hệ kinh tế tài chính với Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

.

Hai là việc chống lạm phát thành công. Ngân hàng Nhà nước giai đoạn này với sự điều hành và quản lý chính sách tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất và các công cụ tiền tệ của hệ thống ngân hàng đã đưa tỷ lệ lạm phát ở mức hai con số xuống còn một con số và giữ ổn định trong một thời gian dài sau đó.

Và cuối cùng điều làm ông tâm đắc đó là việc đổi mới hệ thống ngân hàng theo nguyên tắc kinh tế thị trường, định hướng XHCN từ mô hình tổ chức đến cơ cấu nhân sự với sự ra đời của 2 Pháp lệnh về ngân hàng đã chính thức chuyển cơ chế hoạt động của hệ thống Ngân hàng Việt Nam từ một cấp sang hai cấp; trong đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh tiền tệ, còn các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thì kinh doanh tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối và dịch vụ ngân hàng trong khuôn khổ pháp luật.

.

Phối hợp công tác chặt chẽ với VPCP

.

Có được những thành công trên, theo ông Cao Sỹ Kiêm, là sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, sự hợp tác, phối hợp công tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, trong đó có VPCP, cơ quan tham mưu tổng hợp các vấn đề chính sách kinh tế vĩ mô giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Ngành Ngân hàng vào thời điểm đó đã tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới, vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt vào Việt Nam để xây dựng các chính sách điều hành về tiền tệ, lãi suất nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là việc xử lý thành công lạm phát phi mã qua từng năm.

.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, VPCP là cơ quan tổng hợp tất cả những nội dung, định hướng chung để tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình điều hành kinh tế xã hội của đất nước. Mọi hoạt động lớn của Ngân hàng Nhà nước về xây dựng đường lối, chính sách hay những cuộc họp quan trọng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian đó đều có sự tham dự của lãnh đạo VPCP và các đồng chí chuyên viên phụ trách theo dõi, phối hợp công tác với ngành Ngân hàng.

.

“Trong quá trình xây dựng các chính sách của ngành ngân hàng để trình Chính phủ đều có sự phối hợp công việc chặt chẽ, hiệu quả với VPCP và VPCP luôn có cán bộ, chuyên gia đóng góp ý kiến. Hay như các cuộc đi làm việc, khảo sát thực tiễn của đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước luôn có sự tham gia của cán bộ, chuyên gia của VPCP để nắm tình hình. Vì vậy, rất nhiều vấn đề khi Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao”, ông Cao Sỹ Kiêm chia sẻ.

.

Một nội dung quan trọng khác trong quá trình phối hợp công tác với VPCP của ngành Ngân hàng thời điểm đó được ông Cao Sỹ Kiêm đề cập đến là công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ và trao đổi thông tin giữa hai cơ quan. “Chúng tôi đã có nhiều cán bộ sang công tác tại VPCP và ngược lại, VPCP cũng đã có nhiều cán bộ về công tác ở Ngân hàng Nhà nước, đảm nhận những vị trí quan trọng, có tính chất quyết định trong xử lý công việc. Tôi cảm nhận được cái tâm của các cán bộ, chuyên gia VPCP trên tinh thần tất cả vì công việc, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.”, ông Cao Sỹ Kiêm nhận định.

.

Trong công tác trao đổi thông tin, theo ông Cao Sỹ Kiêm, thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đến Ngân hàng Nhà nước ngoài việc phải bảo đảm tính minh bạch, công khai, kịp thời, chính xác thì thông tin của Chính phủ là thông tin phải phổ biến rất nhanh, thông tin từ ngân hàng cũng phải được truyền đến Chính phủ với số liệu nhanh nhạy, chính xác và có phân tích tỉ mỉ. “VPCP đã hỗ trợ chúng tôi rất hiệu quả trong việc đưa thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả và có khả năng thực thi cao nhất. Chúng tôi đã phối hợp hết sức chặt chẽ, thường xuyên, liên tục cùng VPCP trong công tác trao đổi thông tin với một khối lượng lớn các thông tin chuyên môn và chỉ đạo, điều hành. Sự trao đổi thông tin trong hoạt động của ngành Ngân hàng và VPCP đã góp phần vào quá trình ổn định nền kinh tế, chống lạm phát thành công của Chính phủ trong những năm đó”, ông Cao Sỹ Kiêm khẳng định.

.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho hay, công việc của ông hiện khá bận rộn, ông vừa là Chủ tịch Hiệp Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, vừa là thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

.

Năm 1965, sau một thời gian công tác ở miền núi, ông Cao Sỹ Kiêm về Thái Bình công tác tại Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thái Bình, rồi làm Phó Giám đốc, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thái Bình. Sau đó, ông làm Bí thư Huyện ủy Thái Thụy, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình (1985) và năm 1989 ông được giao trọng trách Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến năm 1997. 

.

Trung Hiếu

Top