Hà Nội

4 tháng cuối năm 2008: Thực hiện quyết liệt hơn nữa các biện pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội

(Cổng TTĐT Chính phủ) - Chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững sẽ tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa trong 4 tháng cuối năm trên nền tảng những kết quả bước đầu của 8 tháng đầu năm.

04/09/2008 19:05
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ
Tham dự họp báo có lãnh đạo các Bộ Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điểm lại tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2008, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với việc điều hành toàn diện, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, nhất trí, đồng tâm hiệp lực của toàn dân, các cấp, các ngành, nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá.
Chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục có xu hướng giảm (tháng 8: 1,56%). Xuất khẩu tăng, nhập siêu giảm. Nông nghiệp được mùa. Hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định hơn... Trong tháng 8 đã hai lần điều chỉnh giảm giá bán xăng và dầu hỏa. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được các ngành, các cấp, địa phương tăng cường, chú trọng thực hiện.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng kỷ lục. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ''Đây không chỉ vì mục tiêu kinh tế, mà còn thể hiện niềm tin, sự tin tưởng vào triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu''.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ nhận thấy, trong những tháng cuối năm 2008, khó khăn, thách thức còn lớn, kinh tế thế giới còn diễn biến phức tạp cộng với những yếu kém nội tại của nền kinh tế trong nước, việc có đạt được các mục tiêu đặt ra phụ thuộc vào việc thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các nhóm giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ. Trong bối cảnh này, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải đồng tâm, hiệp lực thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp, phấn đấu quyết liệt hơn nữa.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện tốt hơn nữa trong 4 tháng cuối năm. Trong đó, tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt trong điều hành, vừa góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển.
Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện mọi mặt cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, thúc đẩy tăng trưởng.
Qua cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí cần đóng góp tích cực hơn nữa vào việc củng cố niềm tin cho nhân dân đối với các chủ trương, chính sách điều hành của Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ
Nhập khẩu cuối năm khó có đột biến
Tại cuộc họp báo, trước mối quan tâm của các nhà báo về tình hình nhập siêu 4 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, nhập khẩu của các doanh nghiệp 8 tháng đầu năm đã tương đối đủ nhu cầu, với số lượng lớn vượt so cùng kỳ năm 2007, cùng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp của Chính phủ nên nhập khẩu trong những tháng cuối năm khó có hiện tượng đột biến.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, để giảm nhập siêu cần phải thúc đẩy xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Bộ Công Thương sẽ tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu, phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu trên 30% trong 4 tháng cuối năm, đạt trung bình 5,5 tỷ USD/tháng, 4 tháng đạt 22 tỷ USD, kết hợp với 8 tháng đầu năm đạt 43 tỷ USD, thì cả năm sẽ đạt 65 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Để hạn chế nhập khẩu, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định, Bộ Công Thương sẽ thực hiện triệt để chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục áp dụng linh hoạt các biện pháp thuế quan và phi thuế quan (về kiểm soát tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, rào cản kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa đối với hàng nhập khẩu để kiểm soát nhập khẩu), bảo đảm tỷ lệ nhập siêu năm 2008 so với kim ngạch xuất khẩu ở mức khoảng 30%.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan quy định một số địa điểm thông quan đối với một số mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà - Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ
Giải đáp mối quan tâm của các nhà báo về chính sách tài chính ngân sách thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về thanh niên, về vấn đề "tam nông", Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, chính sách về tài chính ngân sách cho các vấn đề này liên quan đến nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng đối với nông nghiệp, nông thôn, phát triển các ngành khoa học - kỹ thuật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, vấn đề công ăn việc làm, đào tạo, dạy nghề cho thanh niên, nông dân...
Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu cụ thể các cơ chế chính sách này, trên cơ sở đó sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định.
Văn Hiến - Nguyễn Hoàng
Top